Cách đây chừng 50 năm về trước,tại vùng Hoa Bắc xa xôi,có 2 nhân vật chơi cờ xuất chúng được giới cờ ở đây tôn xưng ngoại hiệu là ”Bắc Phương Song Hổ” bao gồm Hắc Long Giang Vương Gia Lương và Liêu Ninh Mạnh Lập Quốc.Hai người này tài lược kiêu hùng,mỗi người hùng cứ một phương.Thuở đó,cả 2 đều đã từng đại diện cho tỉnh mình đem sức tài đi thi đấu khắp nơi và giành nhiều chiến tích lừng lẫy,uy danh chấn động khắp nơi.Mạnh Lập Quốc nổi danh với công phu Đối Pháo,lưỡng toàn Thuận,Liệt.Sau này danh thủ Trần Hiếu Khôn của Chiết Giang khi chứng kiến Mạnh lão tái xuất giang hồ,chém tướng đoạt thành đã phải thốt lên rằng rằng “Thuận Pháo đích danh,bảo đao bất lão”.Vương Gia Lương,bá chủ vùng Đông Bắc quan ngoại nổi danh với kỳ phong trấn áp,tấn công như vũ bão,hạ thủ liên hoàn đao,từng viết ra 3 bộ sách lớn có ảnh hưởng rất lớn về sau là Tượng kỳ tiền phong,Tượng kỳ trung phong và Tượng kỳ hậu vệ.Tuy nhiên trong buổi sơ hùng,vãn kiệt đó cả 2 người vẫn chưa thể nào bước lên ngôi cao nhất vì thời đó Trung Quốc vẫn còn có mặt 2 nhân vật kiệt xuất sắc nhất là Hoa Nam Dương Quan Lân (Ma kỳ) và Hoa Đông Hồ Vinh Hoa (Tiên kỳ).Vương,Mạnh 2 vị tiền bối đành ngậm đắng nuốt cay,ngậm ngùi thán cảnh.Cuối cùng vì tuổi già sức yếu cho nên sau đó nhiều năm không còn đủ kỳ kinh để tiếp tục tranh phong ở các giải toàn quốc,tự động gác kiếm bỏ đao,lui về ở ẩn.Và thế là cả 2 người đành dốc toàn tâm toàn sức tìm người kế tục với hy vọng sau này có ngày sẽ được chứng kiến đệ tử mình đăng quang,có được vinh quang mà trước kia mình còn chưa có.Âu cũng là 1 điều an ủi lớn ! .

Mạnh Lập Quốc lão tiền bối sau khi về Liêu Ninh thu nạp 1 số nhân tài nhỏ tuổi,ngày đêm dạy dỗ,cuối cùng kỳ nghệ thượng phong đã trở thành các danh thủ nổi tiếng trong nước như Bốc Phụng Ba,Thượng Uy,Quách Trường Thuận và Triệu Khánh Các.Trong số này nhất đại đệ tử Bốc Phụng Ba đã được phong đặc cấp đại sư cùng lúc với thầy mình,chính là giai thoại Sư đồ song song đặc cấp Vũ Long Môn của Liêu Ninh kỳ phái.Về phía mình,Vương Gia Lương ngao du khắp chốn Đông Bắc giá lạnh mà mãi chẳng tìm ra người ưng ý.Đến năm 1970,khi đã 44 tuổi,một lần tới thành phố Cáp Nhĩ Tân thủ phủ của Hắc Long Giang thuyết cờ mới gặp 1 chú bé 9 tuổi thông minh lanh lợi,tỏ ra rất thích nhận làm đệ tử truyền thụ chính tông công lực,nhất đại kỳ môn.Người đệ tử này sau đó 20 năm học hành và chinh chiến,cuối cùng đã đắc vị quán quân toàn quốc,thoả lòng mong ước của Vương lão lúc sinh thời,trở thành 1 trong Thập Kiệt của Trung Quốc ngày nay. Đó chính là “Tân Đông Bắc Hổ”, Đặc cấp quốc tế đại sư,Triệu Quốc Vinh,vua cờ tướng của miền Hoa Bắc.

Triệu Quốc Vinh sinh năm 1961,người Cáp Nhĩ Tân tỉnh Hắc Long Giang,từ nhỏ vốn đã thông minh đĩnh ngộ,rất có thiên tư về cờ tướng.Sau này khi theo học lão danh thủ Vương Gia Lương,lại tỏ ra chăm chỉ luyện tập nên được Vương lão vô cùng yêu mến,đến khi ở tuổi thiếu niên,kỳ phong xuất chúng,lại theo thầy bôn ba chinh chiến khắp nơi, đánh đông dẹp bắc ,tạo ra rất nhiều sóng gió trên kỳ đàn Trung Quốc thời bấy giờ.Triệu Quốc Vinh tiếp thu phong cách tấn công liên hoàn bảo đao của thày là Trung pháo Quá Hà Xa,lại am tường sâu sắc hậu thủ của Bình Phong Mã kinh điển,ngoài ra đã bỏ nhiều công sức ngày đêm nghiên cứu cuối cùng đã luyện thành công 2 môn công phu lớn là Tiên Nhân Chỉ Lộ và Sĩ Giác Pháo,cho nên sớm thành danh khắp vùng Hoa Bắc,trở thành 1 “quái thủ” của cờ tướng quan ngoại.Năm 20 tuổi bắt đầu tham chiến tại các giải đấu cá nhân toàn Trung Quốc.

Trong cuộc trường chinh kéo dài mười năm trời của thập niên 80 của thế kỷ trước,mặc dù Triệu tướng Hoa Bắc,chinh Nam chiến Bắc,công lực thượng thừa,sánh ngang với các bậc hào kiệt khác trong thiên hạ nhưng vẫn không tài nào bước lên ngôi cao nhất được vì rất nhiều nguyên nhân.Triệu Quốc Vinh trong thời kỳ này với vô số trận đánh lớn nhỏ khắp nơi,đã đánh nhiều trận đánh thật tưng bừng trước các cao thủ chính tông,ngoại phái từ kỳ tài nhất quốc cho đến các danh thủ lão làng ẩn dật,Triệu đều đã thử qua.Danh tiếng vang lừng,kỳ nghệ uy phong,khắp nơi nơi đều biết tiếng,danh xưng Kỳ đàn Triệu Tử Long bắt đầu xuất hiện từ đó.Tuy nhiên không hiểu tại sao,dường như ý trời không chịu chiều lòng người nên Triệu Quốc Vinh vẫn chưa thể nào một lần đắc vị đăng quang thoả lòng mơ ước.Giới cờ Hoa Bắc vẫn ngày đêm trông ngóng.Trăng tàn,nguyệt tận mà vẫn chưa thấy bóng mặt trời xuất hiện.Cuối cùng như hoa quý nở muộn phải đến tận năm 1990,tại thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang,lần đầu tiên sau bao năm vất vả,Triệu Quốc Vinh với Tiên Nhân Chỉ Lộ cường công phá tan Tốt để Pháo của “Dương Thành thiếu soái” Lữ Khâm để lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch,trở thành nhà quán quân thứ 8 trong lịch sử của cờ tướng Trung Quốc.Toàn thế làng cờ Trung Quốc cung nghênh “Tân Đông Bắc Hổ “ Triệu Quốc Vinh trở thành Bắc Phương giáo chủ của Trung Hoa kỳ nghệ.Năm đó Triệu Quốc Vinh đã 29 tuổi.

Và kể từ khi giành được chiến tích oai hùng đó,Triệu Quốc Vinh bắt đầu làm mưa làm gió trong giới cờ Trung Quốc.Liên tục trong nhiều năm trời nằm trong số những tay cờ mạnh nhất Trung Quốc.Các giải đấu lớn đều tham gia và có thành tích xuất sắc.Năm 1991,giải vô địch thế giới lần thứ 2 được tổ chức,Triệu Quốc Vinh được đại diện cho Trung Quốc thi tài với bạn bè bốn phương,trải qua 1 loạt các chiến thắng đã đoạt được ngôi vị quán quân trở thành người thứ 2 của Trung Quốc có được vinh dự này sau Lữ Khâm. Đến năm 1992,Triệu Quốc Vinh lại lần thứ 2 giành được chức vô địch toàn Trung Quốc,khẳng định được uy thế vốn có của mình.Sau đó 1 năm,vào năm 1993,lần thứ 2 được đại diện cho Trung Quốc tham gia giải thế giới và đoạt được ngôi vị Á quân sau Từ Thiên Hồng của Giang Tô.Năm 1995,lần thứ 3 trong sự nghiệp thi đấu đời mình ,Triệu Quốc Vinh giành được ngôi vị quán quân toàn quốc,được nhất trí bầu chọn là 1 trong Thập Kiệt của giới cờ Trung Hoa đương đại.

Phong cách đánh cờ của vua cờ tướng Hoa Bắc,Triệu Quốc Vinh không chỉ mang tính tư duy,khoa học rất cao mà còn đậm đà sâu sắc,đầy chất nghệ thuật và cống hiến.Lối đánh thiên về ứng biến linh hoạt,biến hoá đa đoan,không quá cầu kỳ,thực dụng,toàn cục coi trọng sự ổn định chắc chắn nhưng cũng không kém phần tinh tế,sâu xa.Triệu đại sư nổi tiếng là người chiến đấu vì nghệ thuật trong cờ tướng.Dù coi trọng chiến thắng nhưng không phải lúc nào ông cũng nhắm mắt quên đi cốt lõi của nghệ thuật cờ tướng.Đã có nhiều ván cờ chỉ cần đánh theo lối đánh thông thường là đủ để chiến thắng nhưng Triệu đại sư lại hoàn toàn làm ngược lại,khi dẹp bỏ qua 1 bên là danh lợi mà tự mình xuất cờ,biểu diễn các nước đi hết sức tài tình thú vị với những kiến giải độc đáo,sâu sắc biến ván cờ thực chiến nhàm chán thành các ván cờ thế kinh điển trong các quyển kỳ thư lưu truyền đã lâu làm cho không ít người hâm mộ cảm thấy thích thú và khoái trí.Do đó số lượng người hâm mộ kỳ nghệ của Triệu Quốc Vinh ở Trung Quốc không phải là nhỏ.Triệu Quốc Vinh với gần 30 năm chinh chiến ở kỳ đàn Trung Quốc, đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu viết thành tôn chỉ dạy đánh cờ trên tạp chí Bắc Phương kỳ nghệ rất được bạn đọc hoan nghênh và đón nhận nồng nhiệt.

Hiện nay,sau nhiều cuộc chuyển biến,kỳ phong của Triệu Quốc Vinh vẫn còn rất mạnh và tương đối ổn định. Năm 2006,Triệu Quốc Vinh là HLV trưởng dẫn dắt đội tuyển Hắc Long Giang đạt thành tích rực rỡ tại giải cờ tướng Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Đến đầu năm 2007,tại cuộc chiến Ngũ Dương Bôi lần thứ 27 ở TP Quảng Châu tỉnh Quảng Đông,cá nhân mình Triệu Quốc Vinh chỉ chịu thua mỗi Hứa Ngân Xuyên đang có vị thế số 1 Trung Quốc sau 1 cuộc tỷ thí cờ nhanh,giành được ngôi vị Á quân toàn giải.Tháng 3 năm 2007,lại oai trấn giang hồ,kỳ nghệ thượng phong giành được ngôi vị quán quân giải các đại kiện tướng cúp Gia Chu Bôi lần thứ 6.Tháng 9 năm 2007,tại Nội Mông Cổ tham gia giải đấu cờ tướng cá nhân toàn Trung Quốc về đích ở vị trí thứ 3 sau Triệu Hâm Hâm và Lữ Khâm. Đến tháng 12,lại được cử làm đại diện Trung Quốc tham gia giải cá nhân Châu Á lần thứ 13 và đoạt được ngôi vị Á quân sau người đồng đội là Phan Chấn Ba của Hạ Môn.Sang đến năm 2008 nay,kỳ nghệ của Triệu Quốc Vinh vẫn chưa hề có dấu hiệu đi xuống bằng chứng là tại Sơn Đông vẫn đủ sức giành được ngôi vị Á quân giải Gia Chu Bôi lần thứ 7,trên bảng xếp hạng cá nhân toàn Trung Quốc với 2616 điểm đứng ở vị trí thứ 5.Ngoài ra, Triệu Quốc Vinh còn giữ trọng trách là Phó viện trưởng của kỳ viện Hắc Long Giang và là người có công lao rất lớn đối với sự nghiệp phát triển phong trào cờ tướng của tỉnh này khi đào tạo lên lớp kỳ thủ xuất sắc kế cận như Nhiếp Thiết Văn hay Vương Lâm Na chẳng hạn.
Nguồn: Internazionale - http://forums.xiangqiclub.com/

Comments (0)